Order cho "sang mồm", ship cod gọi cháy máy không chịu nhận..., ai bán hàng online cũng đều đã từng gặp thảm cảnh này!
Trích dẫn từ: http://kenh14.vn
Đúng là nghề nào cũng có những nỗi thống khổ riêng nhưng cực đến phát rồ chắc hẳn có nghề bán hàng online. Không gặp những "thượng đế" tính cách ẩm ương, thì cũng chạm trán những trường hợp hàng dùng chán chê nhưng không thèm trả tiền...
Ra chợ mua mớ rau còn phải trả tiền ngay, thế mà có người lại mua hẳn chiếc khăn hàng hiệu tới 4 triệu, rồi im lặng cả nửa năm khiến chủ shop "phát rồ" lên đấy các bạn ạ…
Về mặt cá nhân, tôi đánh giá rất cao những người làm nghề bán hàng online. Tuy xung quanh nó vẫn tồn tại vài điểm yếu, khiến khách hàng lắm lúc phải phiền lòng, nhưng hãy thử nghĩ mà xem trong cái thời mà Facebook phát triển như bây giờ, nắng nôi hay mưa gió, bạn chỉ ngồi nhà, click chuột vài cú, "nổ" địa chỉ và một chú shipper sẽ bay đến như một cơn gió đem theo món đồ ưa thích của bạn. Thật chẳng còn gì tiện hơn!
Nhưng mà, vài điều khiến bạn phiền lòng như hàng không giống y trong hình, hoặc đen đủi gặp phải bán hàng lươn khươn ôm tiền chưa chịu trả đồ…, nó cũng không thể khiến người ta phải "phát rồ" lên như cái cảnh một vài chủ shop online và người ship hàng gặp, mà tôi sắp kể ra dưới đây. Nói như thế không có nghĩa là bênh vực một cách thiên vị, chỉ đơn giản, chúng ta hãy đọc để hiểu cho nỗi khổ của những người bán hàng online. Khách hàng thời nay quả đúng là thượng đế, nhưng thượng đế kiểu này thì khổ cho nhân gian quá đi mất!
Các công việc thường thấy nếu bán hàng online: show ảnh đồ, set up chụp hàng cho khách....
Order cho sang, hàng về thì "Bận trăm công nghìn việc ai mà để ý điện thoại của em được!"
Trong một nghìn chín trăm cơn ác mộng, thì gặp phải khách order cho sang mồm là điều khiến dân bán hàng online sợ nhất. Mà khổ nỗi, những vị khách hết sức sang chảnh trên facebook, ava lộng lẫy đồ hiệu, ăn chơi, bóng bẩy lại mới có nguy cơ tiềm ẩn phong cách mua hàng như thế.
Cú phốt của một hot boy trên facebook và cô gái bán hàng fake 1 ồn ào mới đây là ví dụ. Vào trang cá nhân của chàng trai tên V. này, có thể hiểu tại sao cô gái bán hàng lại tin tưởng mua tới 4 món đồ cho khách mà không cần phải chuyển nửa tiền, hoặc chuyển 100% như các shop khác vẫn "bó cẩn". Mặt mũi sáng sủa kèm theo phong cách dân chơi, đồ hiệu đắp từ đầu đến chân, lại thêm quen biết đến nửa Hà Nội, người bán hàng tên N.A mới tin tưởng ứng tiền ra. Chỉ có điều khi hàng về, gọi 5 lần 7 lượt anh chàng này đều dập máy đi kêu bận.
Cực chẳng đã, N.A phải lên facebook tag hẳn dân chơi vào. Sau 1 hồi cãi nhau trên mạng, anh chàng kia vẫn không lấy số đồ trị giá mấy triệu, vì "Em ồn ào phiền phức quá, anh đang bận em cứ làm phiền, trăm công nghìn việc ai mà để ý điện thoại của em được". Điều khiến cô bán hàng online nổi đóa, là thanh niên dân chơi vẫn online facebook đều, check in đi chơi sang chảnh, nhưng nhắn tin kêu hàng về thì tin nhắn cứ trôi trong im lặng thôi. Gọi điện lại càng không nghe...
Ngậm đắng khi khách lúc order thì hồ hởi, chắc chắn lắm, đến khi hàng về toàn im thin thít lặn mất tăm, và tự dưng lại bận bịu không ngờ, lúc nào cũng trăm công nghìn việc không thể nghe điện thoại được – là nỗi khổ mà bất cứ ai buôn bán online đều hiểu rất rõ. Mà khách order cho vui mồm, thường thuộc dạng khách quen, hoặc "có ảnh hưởng" trên mạng xã hội với profile hết sức hoành tráng.
Mua hàng nửa năm, dùng chán chê nhưng… không trả tiền
Chuyện cái khăn Gucci 4 triệu 8 đang ồn ào trên mạng xã hội mấy ngày nay. Khăn hàng hiệu, nhưng người mua để xài thì có vẻ không được xịn như thế!
Đọc những dòng mà người bán hàng có tên facebook là N.T.M chia sẻ, phải công nhận trên đời này, chuyện quái gì cũng có thể xảy ra, kể cả chuyện vô lý như mua hàng tới nửa năm vẫn chây ỳ không chịu thanh toán.
Chủ topic đau khổ kể lại câu chuyện bán chiếc khăn hiệu Gucci cho vị khách tên L.H ở Bình Dương. Khách quen, mua hàng hơn 1 năm rồi nên chủ shop đồng ý ship hàng cho khách rồi khách chuyển khoản lại. Mặc dù đã rất nhiều lần giục khách lên xuống vì khách này lại mắc bệnh "chậm chuyển tiền", có lẽ làm gì cũng nhanh, chỉ có trả tiền là chậm – nhưng chủ shop vẫn tin tưởng và lần cuối cùng, chị chuyển cho khách chiếc khăn Gucci trị giá 4 triệu 800 nghìn đồng.
Và thế là từ đó đến nay đã nửa năm trôi qua, khăn thì khách dùng, còn tiền thì mất hút. Cả tin nhắn facebook lẫn số điện thoại đều im re. Chủ shop dùng tài khoản facebook khác để nhắn tin thì bị chặn ngay lập tức. Cực chẳng đã, nghĩ đến những ấm ức nửa năm nay khi gặp phải vị khách "vui tính thái quá", chủ shop đành nhắn vào facebook của chồng vị khách tên L.H kia.
Ai ngờ, cả ông chồng cũng hùa vào chửi chủ shop, cho rằng vì khăn "kém chất lượng" nên vợ mình không trả là đúng. Chỉ đến khi chủ shop quá uất ức không chịu nổi cảnh đã bị quỵt tiền còn bị chửi sấp mặt mũi, chị đăng tải lên trang cá nhân của mình, dư luận lên án thì phía khách hàng mới chuyển khoản số tiền om suốt nửa năm.
Hiện tại thì cuộc chiến giữa khách hàng và chủ shop vẫn tiếp diễn. Khách muốn shop gỡ bài vì đã chuyển tiền (sau nửa năm im lặng), còn chủ shop thì vẫn ấm ức vì không được một lời xin lỗi, còn bị lăng mạ.
Không biết vì lý do gì mà vị khách ở Bình Dương lại vui tính đến mức nhận hàng xong rồi chặn luôn facebook người bán, để chế độ silent tin nhắn suốt nửa năm như thế. Nếu chủ shop không lên tiếng trên facebook mà cứ tìm cách liên lạc để hỏi "tại sao", thì có lẽ tài khoản của chủ shop sẽ không bao giờ nhảy số tiền 4 triệu 800 nghìn đồng nhanh chóng như thế này. Thôi, thì cũng mừng cho người bán. Có chậm, có trễ nửa năm nhưng ít ra còn lấy lại được tiền.
Nói vậy để hiểu rằng còn rất nhiều chủ shop online phải "ngậm đắng nuốt cay" coi như mất luôn số tiền hàng, mà nào phải ít ỏi, đều từ mấy triệu tới hàng chục triệu. Tất cả đều bắt đầu từ việc tin nhau, ban đầu thì chuyển khoản, ship COD tử tế lắm. Thế rồi càng quen càng "lèn" cho đau, để khi nào đơn hàng lên đến tiền triệu, chục triệu…, thì lại "sự im lặng của bầy cừu", chặn facebook, chặn số điện thoại.
Ship COD hoặc giao hàng đến nhưng khách không nghe điện thoại
Lại nói về ship COD. COD là từ viết tắt của từ "cash on delivery", có nghĩa là giao hàng thu tiền hộ. Điều đó nghĩa là khi nhận hàng, người mua check xong mới phải thanh toán. Sẽ có những công ty dịch vụ vận chuyển nhận đơn hàng của shop rồi giao cho khách. Loại hình ship này mới xuất hiện nhưng được giới mua hàng online ưa chuộng. Nó tránh cho người mua cảnh nhận một món hàng "ơ kìa", chẳng giống như trên ảnh, mà tiền thì đã chuyển trước rồi. Khách hàng được check đồ, rồi mới thanh toán.
Đoạn statut bức xúc của một chủ shop online khi phải tiếp những khách hàng chỉ quen "sang mồm". Ảnh chụp màn hình.
"Không ai bắt các chị mua, các chị làm ơn đừng hành hạ công sức của người khác. Đã mở mồm ra thì phải có trách nhiệm!!!
Tội cho mình, người nhà mình, nhân viên mình cứ hì hục cả ngày cả đêm soạn hàng, đóng hàng gói hàng, viết bill, có những đêm quá nhiều hàng phải làm thông đến 3-4h sáng mới được ngủ.., rồi khi các chị không thèm lấy, bưu điện gửi về thì nhà mình lại gỡ hàng nhập lại vào kho... rất mất công mất thời gian.
Tội cho cả các anh chuyển phát nhanh gửi đi gửi về.
Tội cả mình mất cước phí đi và về 2 lần... Món hàng lãi được vài chục ngàn, trả cước mấy lần mất xừ nó cả trăm.
Tội cho cả các bạn thật tâm muốn mua mà hàng mình đã gửi đi hết sạch và mình báo hết hàng... Tội cả mình khi nhận lại hàng bị chuyển hoàn thì cũng không còn bán được cho những bạn đã hỏi từ trước nữa vì các bạn ấy đã tìm mua cho khác rồi".
Nhưng với bên bán hàng, thì ship COD thật sự là một bài toán nhiều rủi ro và bất lợi. Có nhiều trường hợp khách nhất định không nghe máy hoặc không hẹn giờ giấc cụ thể, nhân viên vận chuyển đến đành phải quay về trả lại shop. Khi đó, shop sẽ bị mất phí vận chuyển 2 chiều, hàng thì không bán được.
"Nhiều khách lúc đặt đồ thì nói chắc như đinh đóng cột, vậy mà khi hàng đến thì tìm đủ mọi lý do để không phải nhận ngay, hoặc dời lại. Hành hạ shipper nắng nôi mưa gió đi lại đến chục lần. Không hiểu tại sao lại phải như thế?!" - Thu Hằng, một chủ shop bán đồ mỹ phẩm online ở Hà Nội đã phải thốt lên đầy chán nản sau khi 5 đơn hàng trong ngày của cô đều gặp khách không nghe máy, hoặc hẹn giờ giấc lung tung.
Hàng loạt gói hàng ship COD bị trả lại do khách hàng "ẩm ương" không nhận. Ảnh: Facebook.
Chủ shop kêu trời, nhưng người trực tiếp giao hàng mới gọi là thống khổ. Tôi đã tận mắt chứng kiến một chú xe ôm già, loanh quanh trong ngõ nhà mình để tìm địa chỉ một cô khách đặt mua bộ váy ngủ, nhưng nhất định không nghe máy. Chú xe ôm khoảng 50 tuổi, chạy Honda cũ rích, túi lủng lẳng treo 6,7 món đồ đã được ghi sẵn địa chỉ. Chú nhìn tôi khẩn cầu: "Cô ơi, đây có phải ngõ 16 không, nhà 31 ở đâu tôi tìm mãi không thấy. Gọi điện thì từ sáng đến giờ khách không nghe, khổ quá cô ạ!".
Bộ váy có 300 nghìn, cả ship là 330. Trời mưa ngõ ướt nhẹp, tôi ái ngại nhìn theo người xe ôm già vẫn đội mưa tìm nhà số 31. Có một điều tôi không dám nói với chú, rằng kể cả có tìm được số 31, thì chắc đơn hàng ấy chú phải mang về cửa hàng trả cho chủ rồi.
Kết
Để đối phó với những vị khách vui tính kiểu này, các shop online thường lên một black list rồi share trên page hoặc những diễn đàn có sức lan tỏa, cùng nhau tránh. Thế nhưng, việc khách nhận hàng rồi bắt lỗi để quỵt tiền, order cho sang mồm, hay "mình thích thì mình không nghe máy thôi", vẫn diễn ra như cơm bữa. Các chủ shop vẫn kêu trời rằng, những đơn đầu khách thường thanh toán đầy đủ, nhanh chóng nên ít ai đề phòng. Chỉ đến đơn hàng nhiều tiền nhất thì mới xảy ra "tai nạn".
Gặp cảnh này, chủ shop nếu may mắn thì đòi được tiền, không thì đành chấp nhận như facebook Kieu Nguyet Nga chia sẻ: "Mình cũng rất hay bị khách hàng quỵt nợ, cũng đeo đuổi suốt nửa năm nhưng 60 triệu đã không trả còn nói giọng thách thức vu khống, ức chế vô cùng. Nhưng suy cho cùng, nó khốn nạn với mình thì sẽ gặp quả báo. Vậy nên quên đi cho nhanh, mất món này sẽ kiếm lại được món khác".
Vậy mới thấy, điều quan trọng nhất không phải là đề phòng, cảnh báo, hoặc vạch mặt khách chầy bửa, mà vẫn là ý thức giữa người mua và người bán với nhau. Mua bán thế nào để không tự biến mình thành thiếu văn minh, nặng hơn là thành chiếm đoạt tài sản của người khác, có lẽ cũng là bài học đối với nhiều người.